Header Ads Widget

Bảo hiểm nhân thọ là gì?

Với nhu cầu tích lũy tài chính và bảo vệ trước những rủi ro, ngày càng có nhiều người quan tâm và tìm hiểu về bảo hiểm nhân thọ. Vậy bảo hiểm nhân thọ là gì? Bảo hiểm nhân thọ khác gì với bảo hiểm xã hội?

1. Bảo hiểm nhân thọ là gì?

Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm của các công ty kinh doanh bảo hiểm, được thiết kế với các quyền lợi, điều khoản rõ ràng nhằm bảo vệ người tham gia trước những biến cố sức khỏe hoặc các rủi ro về thân thể, tính mạng. Ngoài ra, việc tham gia bảo hiểm nhân thọ cũng có thể coi là một hình thức tiết kiệm với mức lãi suất ổn định.

Việc tham gia bảo hiểm nhân thọ được xác lập bằng hợp đồng bảo hiểm giữa người tham gia với công ty bảo hiểm. Hợp đồng này phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản pháp luật có liên quan. Hợp đồng này được khoản 1 Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm định nghĩa như sau:

1. Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Theo đó, khi xảy ra các sự kiện rủi ro mà các bên đã thỏa thuận trước về việc được hưởng bảo hiểm hoặc đến khi bảo hiểm đáo hạn, người mua bảo hiểm hoặc người được chỉ định hưởng bảo hiểm sẽ được công ty bảo hiểm chi trả một số tiền nhất định. Số tiền này được căn cứ cụ thể vào số tiền bảo hiểm đã đóng và các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng.

2. Ý nghĩa của bảo hiểm nhân thọ là gì?

Dù chỉ là một loại bảo hiểm tự nguyện nhưng bảo hiểm nhân thọ lại có ý nghĩa rất to lớn đối với người tham gia:

- Bảo vệ tài chính, an tâm tận hưởng cuộc sống.

Khi còn trẻ, con người thường tiết kiệm tiền cho những mục đích như mua sắm, đi du lịch, kinh doanh, kết hôn hoặc sinh con trong tương lai. Khi biến cố tai nạn, bệnh tật ập đến, thay vì dùng khoản tiền tích lũy kia để giải quyết gánh nặng tài chính, nếu tham gia bảo hiểm nhân thọ, chúng ta sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm hỗ trợ chi phí, từ đó nhanh chóng vượt qua mất mát và tiếp tục cuộc sống tốt hơn.

- Giúp giảm bớt chi tiêu lãng phí và tạo nếp sống tiết kiệm cho tương lai.

Việc đóng tham gia bảo hiểm nhân thọ sẽ giúp bạn hình thành thói quen chi tiêu tiết kiệm để có tiền đóng bảo hiểm định kì. Nếu không đóng tiền đúng hạn, hợp đồng bảo hiểm có thể sẽ bị chấm dứt, đồng nghĩa các quyền lợi bảo hiểm sẽ không được duy trì.

Nếu không gặp rủi ro trong thời hạn bảo hiểm, bạn cũng sẽ được nhận lại số tiền gốc đã đóng cộng với một khoản lãi nhất định. Đây cũng coi như một khoản tích lũy cho tương lai như đầu tư kinh doanh, cho con ăn học,…

- Chiếc thẻ thông hành chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Với việc tham gia bảo hiểm nhân thọ từ sớm, người tham gia có thể an tâm chữa bệnh tại những cơ sở y tế cao cấp, với phương pháp điều trị hiện đại và đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao mà không lo về tài chính do đã có doanh nghiệp bảo hiểm chi trả.

- Lấy số đông bù số ít, “mọi người vì một người”.

Ngoài bảo vệ cuộc sống của người tham gia khi rủi ro bất ngờ xảy đến, bảo hiểm nhân thọ còn giúp san sẻ rủi ro trong cộng đồng bằng cách lấy số đông bù số ít. Bởi các khoản phí đóng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ được đưa vào quỹ dự trữ tài chính của công ty bảo hiểm nhân thọ.

Sau đó số tiền này sẽ được đem đầu tư vào ngân hàng, cổ phiếu,… để tạo ra lợi nhuận, từ đó có kinh phí để duy trì hoạt động cũng như có một số tiền lớn để chi trả bồi thường cho khách hàng khi gặp rủi ro.

3. Bảo hiểm nhân thọ khác gì so với bảo hiểm xã hội?

Bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm xã hội (BHXH) đều là những giải pháp giúp người tham gia bảo vệ sức khỏe, hỗ trợ tài chính khi gặp những biến cố, tai nạn. Tuy nhiên giữa hai loại bảo hiểm này lại có những điểm khác biệt khá rõ rệt.

Dưới đây là 06 điểm khác nhau cơ bản giữa bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm xã hội mà người dân nên biết để có cái nhìn khách quan, thấu đáo về từng loại bảo hiểm.

3.1. Về tính tự nguyện

Bảo hiểm nhân thọ là hình thức bảo hiểm mang tính tự nguyện, người dân có thể lựa chọn tham gia hoặc không tham gia.

Trong khi đó, BHXH có thể mang tính bắt buộc hoặc tự nguyện tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể. BHXH hiện nay có 02 loại hình là BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

Nếu thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHXH, người dân sẽ không được lựa chọn không tham gia hoặc thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc không đóng bảo hiểm để nhận thêm tiền. Còn với BHXH tự nguyện thì người dân có thể đóng hoặc không đóng cũng được.

3.2. Về cơ quan, tổ chức thực hiện

Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm của công ty kinh doanh bảo hiểm nên các chính sách, quyền lợi về bảo hiểm nhân thọ sẽ do công ty này tổ chức thực hiện. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định thì công ty bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm theo các điều khoản đã được thỏa thuận trong hợp đồng.

Trong khi đó, BHXH (bao gồm cả bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện) đều do Nhà nước tổ chức và đảm bảo thực hiện. Theo đó, các chính sách, quyền lợi của người tham gia sẽ được giải quyết theo quy định tại Luật BHXH và các văn bản có liên quan.

3.3. Đối tượng hưởng bảo hiểm

Người được hưởng bảo hiểm nhân thọ là người mua bảo hiểm hoặc người được tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm chỉ định để nhận tiền theo hợp đồng bảo hiểm.

Theo đó, đối tượng hưởng bảo hiểm nhân thọ có thể là bất cứ ai và do người mua bảo hiểm chỉ định trong hợp đồng bảo hiểm đã ký. Người hưởng có thể người thân hoặc thậm chí không có quan hệ huyết thống với người mua bảo hiểm nhưng lại được người này chỉ định hưởng.

Trong khi đó, BHXH chỉ giải quyết quyền lợi đối với người tham gia. Riêng trường hợp người tham gia BHXH tử vong, các quyền lợi về chế độ tử tuất sẽ được giải quyết cho thân nhân của người này. Tuy nhiên sẽ không có sự chỉ định người hưởng bảo hiểm ở đây mà quỹ BHXH sẽ chi trả tiền chế độ cho những thân nhân đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

3.4. Thời gian đóng bảo hiểm

Thời gian đóng bảo hiểm nhân thọ linh hoạt phụ thuộc vào mỗi sản phẩm và nhu cầu cũng như khả năng kinh tế của người tham gia. Do đó, người tham gia có thể chủ động được khoảng thời gian đóng bảo hiểm nhân thọ phù hợp với mình. Thời hạn của gói bảo hiểm nhân thọ phổ biến nhất thường là từ 10 - 20 năm.

Quyền lợi được giải quyết cho người tham gia bảo hiểm nhân thọ sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Còn với bảo hiểm xã hội, người tham gia phải đóng ít nhất 20 năm thì mới đủ điều kiện về số năm tham gia bảo hiểm để tính hưởng lương hưu khi về già. Hầu hết các quyền lợi khác về bảo hiểm xã hội cũng bị ảnh hưởng bởi số năm đóng BHXH. Thông thường đóng bảo hiểm nhiều năm thì được hưởng quyền lợi nhiều hơn so với người đóng ít năm.

3.5. Mức đóng bảo hiểm

Khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, người dân hoàn toàn có thể linh hoạt trong việc lựa chọn mức phí, thời gian đóng phí, thời hạn hợp đồng, tạm ứng/ tạm dừng đóng phí theo khả năng tài chính. Hiện không có giới hạn đặt ra với mức phí bảo hiểm nên nếu đóng bảo hiểm nhân thọ ở mức cao thì tương ứng quyền lợi được hưởng cũng sẽ cao.

Theo các chuyên gia tài chính, mức phí đóng bảo hiểm nhân thọ lý tưởng là 10 - 15% thu nhập. Đây là một mức phí hợp lý để duy trì đóng phí đều đặn nhằm đảm bảo quyền lợi mà không ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của gia đình.

Trong khi đó, mức đóng BHXH bắt buộc của người lao động là sẽ được căn cứ trên tiền lương được thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Mỗi tháng, cả người sử dụng lao động và người lao động đều phải đóng bảo hiểm nhưng với những tỷ lệ khác nhau: Người lao động đóng 10,5% tiền lương, người sử dụng đóng 21,5% tiền lương.

Còn nếu tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia sẽ được lựa chọn mức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Tuy nhiên cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện đều bị giới hạn mức đóng tối thiểu và mức đóng tối đa.

3.6. Quyền lợi về bảo hiểm

Phạm vi hưởng bảo hiểm khi tham gia bảo hiểm nhân thọ phụ thuộc vào thỏa thuận của người mua và công ty bảo hiểm. Khi xảy ra các sự kiện mà hợp đồng ghi nhận, người mua hoặc người thụ hưởng sẽ được thanh toán tiền bảo hiểm.

Người mua bảo hiểm có thể tùy chọn gói bảo hiểm phù hợp với mục đích bảo vệ và khả năng tài chính của mình. Một số quyền lợi có thể kể đến như thanh toán viện phí, chi trả tiền bảo hiểm cho người tham gia nếu không may mắc bệnh hiểm nghèo,…

Còn các quyền lợi về BHXH sẽ do luật quy định. BHXH bắt buộc sẽ bao gồm các chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao đông, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất. Còn BHXH tự nguyện chỉ gồm chế độ hưu trí và tử tuất. Phải đáp ứng các điều kiện mà pháp luật quy định, người tham gia mới được cơ quan BHXH giải quyết chế độ tương ứng.

4. Bảo hiểm nhân thọ gồm những loại hình cơ bản nào?

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại hình bảo hiểm nhân thọ khác nhau. Dựa trên phạm vi bảo hiểm có thể phân bảo hiểm nhân thọ thành các loại hình sau:

- Bảo hiểm sinh kỳ: Sản phẩm được thiết kế cho trường hợp người tham gia sống tới thời hạn nhất định được các thỏa thuận trong hợp đồng thì công ty bảo hiểm sẽ chi trả tiền bảo hiểm.

- Bảo hiểm tử kỳ: Sản phẩm bảo hiểm được thiết kế cho trường hợp người được bảo hiểm tử vong trong một thời hạn nhất định được quy định trong hợp đồng thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng nếu người được bảo hiểm chết trong thời hạn được thỏa thuận.

- Bảo hiểm trọn đời: Sản phẩm bảo hiểm được thiết kế cho trường hợp người được bảo hiểm tử vong vào bất kỳ thời điểm nào tính từ thời điểm hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực thì công ty bảo hiểm phải chi trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng.

- Bảo hiểm hỗn hợp: Sản phẩm bảo hiểm được thiết kế kết hợp giữa bảo hiểm sinh kỳ và bảo hiểm tử kỳ.

- Bảo hiểm trả tiền định kỳ: Sản phẩm bảo hiểm được thiết kế cho trường hợp người được bảo hiểm sống đến một thời hạn nhất định; sau đó công ty bảo hiểm phải trả tiền định kỳ cho người thụ hưởng theo thỏa thuận trước đó trong hợp đồng bảo hiểm.

- Bảo hiểm liên kết đầu tư: Sản phẩm bảo hiểm được thiết kế theo hình thức chia lãi, phí và quyền lợi bảo hiểm tách riêng thành hai phần đó là phần bảo hiểm và phần đầu tư.

- Bảo hiểm hưu trí: Sản phẩm bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm đạt đến độ tuổi nhất định thì công ty bảo hiểm trả tiền theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

5. Ai nên nên mua bảo hiểm nhân thọ?

Không chỉ quan tâm đến định nghĩa bảo hiểm nhân thọ là gì, mọi người cũng rất thắc mắc không biết ai nên tham gia loại hình này.

Bảo hiểm nhân thọ là một trong những giải pháp tài chính tối ưu nên nếu có điều kiện thì bất cứ ai cũng nên tham gia. Đặc biệt, các đối tượng sau đây cần cân nhắc tham gia bảo hiểm nhân thọ càng sớm càng tốt:

- Người trụ cột kinh tế trong gia đình.

Nếu là người trực tiếp lao động và tạo ra thu nhập chính cho gia đình mà bạn xảy ra rủi ro, chắc chắn cuộc sống của gia đình sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Nhưng nếu tham gia bảo hiểm nhân thọ, các chính sách trong hợp đồng sẽ giúp gia đình bạn có chi phsi trang trải cuộc sống, đảm bảo tài chính cho gia đình bạn trong một thời gian nhất định để từ đó có thể chuẩn bị tốt cho tương lai.

- Các cặp vợ chồng có con nhỏ.

Nếu tham gia bảo hiểm nhân thọ, các bậc cha mẹ sẽ được hỗ trợ về mặt tài chính để lo cho con cái trong vấn đề y tế, giáo dục,... Bên cạnh đó, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cũng có thể đảm bảo tài chính để chăm sóc nuôi dưỡng người con bị khuyết tật.

- Người có kế hoạch về hưu an nhàn.

Những người trong độ tuổi nghỉ hưu có một số tiền tiết kiệm nhất định có thể sở hữu một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phù hợp nhằm giúp họ chi trả chi phí tang lễ hoặc hỏa táng khi qua đời.

6. Mua bảo hiểm nhân thọ ở đâu?

Hiện nay, người dân có thể đăng ký mua bảo hiểm nhân thọ thông qua các kênh sau:

- Trụ sở chính của công ty hoặc các công ty thành viên của công ty bảo hiểm tại địa phương.

- Đại lý bảo hiểm nhân thọ.

- Website chính thức của các công ty bảo hiểm.

- Mua qua tổng đài chăm sóc khách hàng.

- Mua qua ngân hàng.

7. Quy trình giải quyết quyền lợi khi tham gia bảo hiểm nhân thọ

Mỗi công ty bảo hiểm lại có phương thức giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ đặc thù nhưng thường đảm bảo 03 bước sau:

Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ

Quý khách hàng có thể gửi yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm đến công ty bảo hiểm thông qua đại lý bảo hiểm, qua trang mạng xã hội của công ty bảo hiểm, cổng thông tin khách hàng của công ty bảo hiểm, hệ thống văn phòng giao dịch.

Bước 2: Thẩm định hồ sơ

Công ty bảo hiểm tiến hành thẩm định dựa trên thông tin đăng ký và toàn bộ hồ sơ do người tham gia cung cấp.

Bước 3: Thông báo kết quả.

Sau khi có kết quả thẩm định, công ty bảo hiểm thông báo đến người tham gia và tiến hành thanh toán quyền lợi cho người đó.

8. Đã mua bảo hiểm nhân thọ, có cần tham gia BHXH nữa không?

Như đã phân tích ở trên, BHXH sẽ mang tính bắt buộc đối với một số đối tượng. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, những người sau đây sẽ bắt buộc phải tham gia BHXH:

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

2. Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, với những người bắt buộc tham gia BHXH bắt buộc, dù đã mua bảo hiểm nhân thọ thì vẫn phải đóng BHXH.

Còn nếu cá nhân không thuộc các trường hợp trên thì có thể lựa chọn tham gia thêm BHXH tự nguyện. Việc tham gia BHXH tự nguyện là tùy vào điều kiện, nhu cầu và khả năng tài chính của mỗi cá nhân chứ không bắt buộc.

Trên đây là giải đáp liên quan đến vấn đề bảo hiểm nhân thọ là gì và những điểm khác biệt nổi bật khi so sánh với BHXH. Nếu còn nội dung nào vướng mắc, bạn đọc có thể liên hệ DaiLyBaoHiem.com để được tư vấn một cách chi tiết nhất.

Nguồn: DaiLyBaoHiem.com